Lượt xem: 172

Kỷ niệm 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam (07/5/1955 - 07/5/2024): Chuyện về những con tàu “xuyên lòng đại dương”

Nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển, đảo và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc trong tình hình mới, một khung tàu ngầm chuyên biệt “xuyên lòng đại dương” mang tên “Đoàn 682” ra đời. Đây là tiền thân của Binh chủng tàu ngầm của Hải quân nhân dân Việt Nam ngày nay.

    “Lộ trình” thành lập tàu ngầm

    Để hiểu “ngọn ngành” lịch sử ngày thành lập Binh chủng tàu ngầm và việc Quân chủng Hải quân cử cán bộ, chiến sĩ (CBCS) sang Liên Xô (cũ), Liên Bang Nga hiện nay để huấn luyện, đào tạo kỹ thuật, cách sử dụng tàu ngầm, tôi đến nhà Trung tá Nguyễn Viết Chức - cựu thuyền trưởng tàu săn ngầm 07 của Lữ đoàn 171 Hải quân Anh hùng, một trong những “nhân chứng lịch sử” của Quân chủng Hải quân để nghe ông kể về sự ra đời của những con tàu “đi xuyên lòng biển”.

    Ông Chức cho biết, việc thành lập tàu ngầm của Quân chủng Hải quân trước thềm Đại hội toàn quốc của Đảng năm 1986 là một chủ trương lớn của Đảng, thể hiện “tư duy quân sự” trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc thời bình. “Tổng kết lịch sử chiến tranh ở Việt Nam qua các triều đại, thời kỳ, có ¾ giặc ngoại bang xâm chiếm nước ta bằng đường biển. Sau khi đất nước thống nhất, biển, đảo không chỉ là không gian sinh tồn của ngư dân Việt Nam, mà còn là “chính trường” quan trọng trong bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển. Nhận biết sớm điều này, Đảng, Nhà nước và Quân đội Việt Nam đã xúc tiến việc cho ra đời một binh chủng tàu ngầm. Những tàu ngầm có thể gọi là “đi xuyên lòng đại dương”, “siêu âm đại dương” để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ hướng biển trong thời đất nước không có chiến tranh. Thực chất việc thiết lập binh chủng tàu ngầm được biên chế về Quân chủng Hải quân là xây dựng thế trận chống giặc ngoại xâm từ hướng biển mà trước đó ta chưa có trong tiền lệ lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc của dân tộc”- cựu thuyền trưởng Chức phân tích.


Tàu ngầm kilô 636 hiện đại tại Quân cảng Quốc tế Cam Ranh. Ảnh Mai Thắng

 

    Ngay sau khi đất nước thống nhất vào mùa Xuân năm 1975, nước ta vừa phải “hàn gắn vết thương chiến tranh” vừa tái thiết đất nước, trong đó nhiệm vụ “bảo vệ Tổ quốc từ hướng biển” được đặt ra như một “yêu cầu tất yếu”. Xác định việc bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ hướng biển là yêu cầu phòng thủ chủ đạo trong tái thiết đất nước, do đó, ngày 01/6/1982, Tư lệnh Hải quân ký quyết định thành lập đơn vị khung tàu ngầm đầu tiên với mật danh là “Đoàn 682” trực thuộc Bộ Tham mưu Hải quân. Việc đầu tiên ngay sau khi Đoàn 682 ra đời là tuyển chọn CBCS sang Liên Xô huấn luyện. Đây là những thủy thủ có bản lĩnh, sức khỏe và trình độ linh hoạt xử lý vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại. Trước khi sang Liên Xô huấn luyện, CBCS được học thuần thục tiếng Nga.

    Theo cựu chiến binh Nguyễn Viết Chức, tháng 6/1984, Tư lệnh Hải quân ký quyết định thành lập Hải đội tàu ngầm 182 trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân với ba thành phần chủ yếu là: Cơ quan Hải đội, Khung tàu ngầm 1 và Trạm nổi. Tháng 7/1984, khung tàu ngầm đầu tiên đi huấn luyện tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm tại Riga, thuộc nước Cộng hòa Latvia (Liên Xô). Sau 2 năm huấn luyện tại “xứ Bạch Dương”, giữa năm 1986, kíp tàu ngầm đầu tiên về nước - đây cũng là thời điểm đất nước khó khăn chồng chất, chưa có khả năng để mua tàu ngầm. “Lúc đó tất cả các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hậu cần cho tàu ngầm còn nhiều hạn chế, vì vậy việc trang bị tàu ngầm cho Quân chủng Hải quân chưa thực hiện được. Trong thời gian chờ tiếp nhận tàu ngầm, tháng 8/1987, Bộ Tư lệnh Hải quân ra quyết định điều động các đồng chí thuộc Hải đội 182 về các đơn vị từ Đà Nẵng trở vào để rèn luyện, huấn luyện, sẵn sàng gọi trở lại khi có nhiệm vụ mới, tức là khi tiếp nhận tàu ngầm thì quay lại làm việc tại tàu ngầm” - thuyền trưởng Nguyễn Viết Chức, cho hay.

    Năm 1996, đúng sau 10 năm kể từ ngày thành lập tàu ngầm, và đây cũng là thời gian đánh dấu 10 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Để nâng cao sức mạnh tổng hợp của Quân chủng Hải quân, ngày 02/8/1996, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định về việc thành lập Trung đoàn 196 tàu ngầm trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải quân. Đây là bước khởi đầu cho quá trình xây dựng, phát triển lực lượng tàu ngầm hiện đại sau này. “Như vậy, Hải đội tàu ngầm 182 là tiền thân của Trung đoàn tàu ngầm 196. Đây là Trung đoàn tàu ngầm huấn luyện cấp chiến thuật của Hải quân nhân dân Việt Nam” - Cựu binh Nguyễn Viết Chức, cho biết thêm.

    Những “hố đen xuyên đại dương”

    Trước yêu cầu bức thiết về bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới và xây dựng Quân đội theo hướng chính quy, hiện đại, cũng như “lộ trình” phát triển Binh chủng tàu ngầm, tháng 12/2009, Chính phủ Việt Nam đã ký hợp đồng mua tàu ngầm Kilo 636 của Liên bang Nga và biên chế cho Quân chủng Hải quân quản lý, huấn luyện, sử dụng. Đây là tàu ngầm hiện đại cấp chiến dịch đầu tiên có mặt tại Việt Nam để thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát vùng biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, đặc biệt ở các vùng biển xa như Trường Sa, nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

    Theo đó, ngày 20/6/2011, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra quyết định về việc thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 trực thuộc Quân chủng Hải quân; đồng thời, Phòng Tàu ngầm cũng được thành lập tại Hải Phòng. Ngày 29/5/2013, tại Căn cứ quân sự Cam Ranh, Khánh Hòa, Quân chủng Hải quân đã long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Quốc phòng về việc thành lập Lữ đoàn 189 tàu ngầm trực thuộc Quân chủng Hải quân. Đây là lữ đoàn tàu ngầm hiện đại cấp chiến dịch, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, hiệp đồng với các lực lượng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống. “Việc thành lập Lữ đoàn tàu ngầm 189 đánh dấu bước phát triển mới trong lộ trình xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới; đồng thời công bố với thế giới rằng, Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn làm chủ vũ khí hiện đại, chủ động bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ hướng biển đảo”- Cựu chiến binh Nguyễn Viết Chức, khẳng định.

    Hiện nay, quân chủng Hải quân có 6 tàu ngầm mang tên 6 tỉnh thành, phố lớn trong cả nước là tàu ngầm 182 mang tên Thủ đô Hà Nội; tàu ngầm 183 mang tên Thành phố Hồ Chí Minh; tàu ngầm 184 mang tên Hải Phòng; tàu ngầm 186 mang tên Đà Nẵng; tàu ngầm 185 mang tên Khánh Hoà và tàu ngầm 187 mang tên Bà Rịa - Vũng Tàu. Những con tàu này được mệnh danh là “hố đen đại dương” vì có vũ khí và sức mạnh huỷ diệt tất cả các loại tàu mặt nước và các loại hạm đội khác có mặt trên biển. Tàu còn có tên khác là “sát thủ dưới mặt nước”. Nhiệm vụ đặc trưng của tàu là “săn ngầm”, nhưng nó cũng “tiêu diệt” tất cả các loại tàu biển, các tên lửa mặt đất như căn cứ bờ, trận địa tên lửa của đối phương và hợp đồng tác chiến cùng lính thủy đánh bộ đánh chiếm, tái chiếm đảo khi có lệnh. Tàu cũng có sức mạnh trinh sát, hủy diệt các hạm tàu nổi mặt nước của đối phương như: hàng không mẫu hạm, khu trục, tàu hộ vệ, tàu trinh sát, tàu hậu cần...

    Những ngày đầu tháng 5 lịch sử, CBCS của hai đơn vị tàu ngầm Trung đoàn 196 và Lữ đoàn 189 đang dấy lên phong trào thi đua sôi nổi chào mừng kỷ niệm 69 năm thành lập Hải quân nhân dân Việt Nam. Những người “lặn biển” cũng tất bật với công việc huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, hành quân tuần tiễu biển xa. Trung tá Lê Trung Hiếu - Chính trị viên, Bí thư Đảng bộ Tàu 182, chia sẻ: “Vinh dự, tự hào là những cán bộ, thủy thủ được phục vụ trên con tàu ngầm hiện đại mang tên Thủ đô Hà Nội, chúng tôi xác định rằng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống là nhiệm vụ căn bản, thường xuyên và bền vững. Để làm được điều đó, CBCS trong tàu luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, làm chủ vũ khí hiện đại với ba yêu cầu đặc biệt: “Đoàn kết đặc biệt, kỷ luật đặc biệt, bí mật đặc biệt”. Qua đó, góp phần viết nên truyền thống của lực lượng tàu ngầm Hải quân nhân dân Việt Nam: “Đoàn kết, kỷ luật, bí mật, quyết thắng”, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong mọi tình huống”.

Mai Thắng

 

Trải qua 69 năm ra đời, chiến đấu, chiến thắng, xây dựng và trưởng thành, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã viết lên truyền thống “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng”. Hiện nay, Quân chủng Hải quân có 5 Vùng: Vùng 1 bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ tỉnh Quảng Ninh đến Hải Phòng; Vùng 2 bảo vệ chủ quyền biển, đảo từ Bình Thuận đến Cà Mau, trọng tâm là thềm lục địa phía Nam Tổ quốc; Vùng 3 bảo vệ chủ quyền biển, đảo khu vực Đà Nẵng; Vùng 4 bảo vệ chủ quyền biển, đảo khu vực Cam Ranh, Khánh Hòa, trọng điểm là Trường Sa, Hoàng Sa; Vùng 5 bảo vệ chủ quyền biển đảo khu vực Phú Quốc, Kiên Giang.

Tàu ngầm là phương tiện chiến đấu đặc biệt của Hải quân, vì vậy những người lính thực hiện nhiệm vụ trên tàu là những người đặc biệt. Vượt qua những khó khăn, thử thách và khổ luyện, giờ đây, các kíp thủy thủ đã là chủ nhân thực sự tàu ngầm Kilo 636 hiện đại. Họ là những người lính đặc biệt trong đơn vị đặc biệt, mang trọng trách đặc biệt với sứ mệnh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Thành tích nổi bật của các đơn vị tàu ngầm: Huân chương Chiến công hạng Ba (Trung đoàn 196 năm 2003); Huân chương Bảo vệ Tổ quốc (hạng Ba: Phòng Tàu ngầm năm 2023; Lữ đoàn 189 năm 2016; hạng Nhì: Trung đoàn 196 năm 2016; hạng nhất: Lữ đoàn 189 năm 2021). Ngoài ra, các đơn vị tàu ngầm còn vinh dự được nhận cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân và nhiều danh hiệu cao quý khác.

 



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 49
  • Hôm nay: 8125
  • Trong tuần: 78,832
  • Tất cả: 11,802,152